Để thuận tiện cho việc canh tác và quản lý, nhiều người đã xây nhà tạm trên đất nông nghiệp. Vậy hành vi này có vi phạm gì không? Pháp luật quy định như thế nào về việc xây nhà ở tạm thời trên đất nông nghiệp? Cùng nhà đất ở Cần Thơ tìm hiểu sâu hơn bài viết sau đây nha.
Tìm Hiểu Về Đất Nông Nghiệp Và Nhà Tạm
Trước khi tìm hiểu có được xây nhà tạm trên đất nông nghiệp không, bạn có thể tìm hiểu qua đất nông nghiệp là đất gì và nhà tạm là nhà như thế nào.
Đất Nông Nghiệp Là Gì?
Tại Việt Nam, đất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và chiếm phần lớn diện tích. Theo số liệu thống kê diện tích đất đai cả nước năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có tổng diện tích tự nhiên là 33.134.480 ha, bao gồm:
- Diện tích nhóm đất nông nghiệp: 27.994.319 ha;
- Diện tích nhóm đất phi nông nghiệp: 3.949.158 ha;
- Diện tích nhóm đất chưa sử dụng: 1.191.003 ha.
Theo quy định, đất nông nghiệp là đất chỉ sử dụng cho các mục đích như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và làm muối. Tùy vào đặc điểm địa lý, khí hậu mà đất nông nghiệp sẽ được chia thành nhiều loại với các tiêu chí khác nhau.
Nhà Tạm Là Gì?
Có thể hiểu nôm na nhà tạm là nhà ở được xây dựng một cách tạm bợ, có thiết kế đơn giản, vật liệu xây dựng không được chú trọng và thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Nhà tạm mặc dù không có đầy đủ tiện nghi như nhà ở chính thống nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp một nơi ở khô ráo, an toàn cho người sử dụng.
Hầu hết nhà tạm được xây dựng từ các nguyên vật liệu như gỗ, tôn, nhựa hay đôi khi là các vật liệu tái chế. Nhà tạm thường được dùng trong những trường hợp khẩn cấp, công trình xây dựng, hoạt động nhân đạo, phục vụ sự kiện hoặc mùa màng,…
Có Được Xây Nhà Tạm Trên Đất Nông Nghiệp Không?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích.
Điều 170 Luật Đất đai 2013
"quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất"
Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.
6. Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.
7. Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.
Trong khi đó, đất nông nghiệp là đất chỉ sử dụng cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, mọi hành vi sử dụng đất sai mục đích đều được xem là vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là, việc xây nhà tạm trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật vì sử dụng đất không đúng mục đích.
Vậy nếu muốn xây nhà tạm trên đất nông nghiệp, người dân cần làm gì?
Trước tiên, theo khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 thì đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Trong khi đó, Điều 57 Luật Đất đai 2013 đã quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
Điều 57 Luật Đất đai 2013
"quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất"
Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;
e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;
g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
Như vậy, nếu muốn xây nhà tạm trên đất nông nghiệp thì chủ đất cần xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý.
Quy Định Xây Nhà Tạm Trên Đất Nông Nghiệp
Ngoài việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng, để có thể xây nhà tạm trên đất nông nghiệp, chủ sở hữu phải xin giấy phép xây dựng nhà tạm theo quy định.
Điều kiện để cấp phép xây nhà tạm trên đất nông nghiệp được quy định tại Thông tư 15/2019/TT-BXD như sau:
- Công trình xây dựng là nhà ở tạm thời phải thuộc khu vực đã được quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch ở khu dân cư nông thôn.
- Công trình xây dựng là nhà ở tạm thời phải phù hợp với mục đích đầu tư hoặc mục đích sử dụng của đất được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Công trình xây dựng là nhà ở tạm thời phải đảm bảo an toàn cho dự án và các công trình khác xung quanh.
- Công trình xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu liên quan đến các vấn đề như môi trường, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, công trình phải có hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông,…
- Hồ sơ thiết kế của công trình xây dựng phải đáp ứng quy định của pháp luật.
- Công trình xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy mô và thời gian thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy hoạch xây dựng.
- Chủ sở hữu phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi kết thúc thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng. Các chi phí phát sinh sẽ được yêu cầu bồi thường.
- Giấy phép xây dựng tạm không cấp theo giai đoạn và dự án mà chỉ cấp cho từng công trình, nhà ở riêng lẻ.
Nguồn bài viết: Sưu tầm