Các động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản từng bước phát huy tác dụng khi tín dụng bất động sản đang trở lại với thị trường. Tuy nhiên, dù việc vay vốn ngân hàng đã thông thoáng hơn nhưng sức mua của thị trường vẫn suy giảm. Hôm nay cùng nhà đất Cần Thơ tìm hiểu bài viết sau đây với chủ đề "Tín Dụng Bất Động Sản Đã Mở, Tại Sao Sức Mua Lại Giảm Sút?" hy vọng sẽ là tin tức bổ ích đến với các bạn đọc giả.
Tín Dụng Bất Động Sản Và Những Con Số Tăng Trưởng
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những con số đáng chú ý. Theo đó, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của các tổ chức đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Điều đáng chú ý là trong 9 tháng năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao, lên tới 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, tín dụng cho vay mục đích tiêu dùng/tự sử dụng lại giảm.
Những con số này làm bật một thực tế, đó là nguồn vốn tín dụng bất động sản đang tập trung vào phía cung của thị trường, chủ yếu là cho vay các chủ đầu tư, các bên phát triển dự án; trong khi cầu tín dụng để mua bất động sản – sức mua của người dân lại đang sụt giảm. Rõ ràng, tắc nghẽn về dòng vốn của thị trường đã từng bước được tháo gỡ, thế nhưng, lực vay chỉ tập trung ở khối doanh nghiệp, còn người dân lại không vay nhiều.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, những khó khăn của suy thoái kinh tế đang khiến sức mua của thị trường giảm mạnh. Ông Lực lạc quan khi cho rằng từ quý 1/2024, khi lãi suất tiếp tục giảm và các chính sách ở thời điểm hiện tại có độ ngấm mạnh hơn sẽ khiến nền kinh tế phục hồi, kéo theo sự tăng trưởng trở lại của sức mua.
Giảm Giá Nhà Để Thúc Đẩy Sức Mua
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết sở dĩ sức mua của thị trường giảm, bên cạnh nguyên nhân là sự suy thoái kinh tế khiến thu nhập người dân giảm sút thì còn một lý do quan trọng khác là giá bất động sản hiện đang ở mức cao so với thu nhập người dân.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Nhà nước đã phát huy tác dụng khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tiếp cận được nguồn vốn. Tín dụng bất động sản tăng trưởng trở lại. Thế nhưng khi nền kinh tế giảm sút, thu nhập của người dân giảm, trong khi giá nhà liên tục tăng cao thì việc mua nhà ở không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân lúc này.
Ông Đính nhận định, để người dân có thể mua nhà ở với giá hợp lý cần tháo gỡ những nút thắt khiến giá bất động sản liên tục tăng. Đó là nguồn cung khan hiếm do đất đai chưa được tối ưu trong quá trình sử dụng. Chính bởi vậy các cơ quan có thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt, thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ, kỉ cương và hiệu quả. Người dân phải được biết và có cơ hội tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tài nguyên đất đai cần được phát huy cao nhất giá trị sử dụng và được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, cần xóa quy hoạch "treo" và tạo hành lang pháp lý riêng cho việc mua bán đất đai trong những khu đã quy hoạch. Các chủ thầu nhận dự án cần được kiểm soát chặt chẽ kinh nghiệm quản lý, năng lực tài chính để đảm bảo tiến độ dự án, tránh gây thất thoát tài chính, lãng phí tài nguyên.
Một nguyên nhân khác khiến giá nhà tăng cao là do tính đầu cơ của thị trường lớn khiến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân khó khăn. Chính bởi vậy, cần nghiên cứu phương án áp dụng thuế phù hợp với tài sản lũy kế theo số lượng, quy mô nhằm giảm động lực đầu cơ. Việc đầu cơ cũng có thể hạn chế bằng việc áp dụng lãi suất cao với những người mua bất động sản thứ 2, thứ 3. Đặc biệt, các chính sách phát triển nhà ở xã hội cần phải đẩy mạnh, tạo hành lang thông thoáng để tăng nguồn cung, tăng cơ hội sở hữu nhà của người dân tại các thành phố lớn, công nhân tại các khu công nghiệp.
Nguồn bài viết: Sưu tầm