Tứ Hợp Viện Là Gì, Ở Việt Nam Có Xây Được Tứ Hợp Viện Không?

Tứ hợp viện là một hình thức kiến trúc tổ hợp có nguồn gốc từ vùng Hoa Bắc của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay kiểu kiến trúc này đang nhận được sự quan tâm lớn của không ít người Việt bởi lối bố trí độc đáo và nhiều tiện ích. Cùng  nhà đất Cần Thơ tìm hiểu bài viết sau đây với chủ đề "Tứ Hợp Viện" này nha.

1. Tứ Hợp Viện Là Gì?

Tứ hợp viện là một tổ hợp công trình, gồm 1 sân vườn nằm ở trung tâm, 4 dãy nhà được xây bao quanh sân vườn và nằm ở 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc.Có thể phân tích tên gọi của tổ hợp công trình này như sau:

Tứ Hợp Viện Là Gì?

  • “Tứ” được hiểu là 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc
  • “Viện” chỉ khoảng không gian như sân, khu vườn
  • “Hợp” là tập trung lại, góp lại

Như vậy, từ tên gọi có thể hình dung được Tứ hợp viện là gì và đặc điểm của loại kiến trúc này.

Theo đó, thông thường, Tứ hợp viện sẽ có 4 khu nhà, trong đó, nhà chính nằm về hướng Bắc – Nam, nhà ngang nằm hướng Đông – Tây. Các mái nhà liền kề, tiếp nối nhau, tạo thành một không gian kín bao xung quanh khoảng sân vườn ở giữa, tạo nên hình chữ “khẩu” (口) trong tiếng Hán.

Công trình thường có cổng chính thiết kế rộng rãi, trang trí tỉ mỉ, có các bức chạm khắc bằng đá với hình sư tử.

Tứ hợp viện Trung Quốc có thể có nhiều kiểu tùy từng địa phương khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, kiểu kết cấu nhà 4 hướng, sân ở giữa không thay đổi.

Nhà Tứ Hợp Viện Có Mấy Sân Vườn?

Từ định nghĩa nhà Tứ hợp viện, có thể hình dung đây là một tổ hợp khuôn viên khép kín, hình vuông hoặc hình chữ nhật. Mặc dù có tên Tứ hợp viện song không phải tất cả công trình dạng này đều chỉ có 1 sân mà tùy vào điều kiện kinh tế, sở thích của chủ nhà mà thiết kế 2 sân (tạo hình chữ “nhật” 日) hoặc 3 sân (chữ mục 目).

Thực tế, có những Tứ hợp viện có sân vườn khá nhỏ, nhưng cũng có những “đại hợp viện” quy mô rất rộng, lên đến 7 hay thậm chí 9 sân vườn, được thiết kế rất tỉ mỉ.

Có thể phân loại các kiến trúc Tứ hợp viện như sau:

  • Tứ hợp viện 1 sân (cấu trúc giống hình chữ khẩu 口), được gọi là Nhị tiến Nhất viện.
  • Tứ hợp viện 2 sân (cấu trúc giống hình chữ nhật 日), còn gọi là Tam tiến Nhị viện
  • Tứ hợp viện 3 sân (cấu trúc giống hình chữ mục 目), hay còn gọi là Tứ tiến Tam viện.

Nhà Tứ Hợp Viện Có Mấy Tầng?

Thông thường, nhà kiểu kiến trúc này phổ biến nhất là 1-2 tầng, không bao giờ vượt quá 2 tầng.

Nhà Tứ Hợp Viện Có Mấy Tầng?

Bởi có kết cấu kín nên chúng khiến cho người bên ngoài không thể quan sát vào trong nhà và ngược lại. Điều này giúp mang lại không gian riêng tư cho gia chủ. Cấu trúc của nó cũng thể hiện sự coi trọng về tôn ti, trật tự, vai vế trong gia đình của người Trung Quốc xưa.

Cấu Trúc Không Gian Bên Trong Tứ Hợp Viện

Bên trong các Tứ hợp viện đều được cấu trúc theo kiểu tường bao quanh khép kín, trong khu nhà có thể được trang trí vườn hoa, hồ cá, núi giả,… Việc bố trí các khu nhà được đảm bảo tính đối xứng rõ rệt, tạo nên không khí trang nghiêm.

Tứ hợp viện có thiết kế vuông vắn nên còn được gọi là “Tứ hợp phòng”. Các phòng được bố trí, sắp xếp theo một trật tự và quy định cụ thể, đó là phòng chính sẽ ở trung tâm, cao và rộng hơn các phòng khác. Tùy vào vai vế trong gia đình mà phòng ở sẽ được phân bố cho phù hợp. Thông thường, ngôi nhà nằm ở phía Bắc là "chính phòng", phía Nam là "đảo tọa", hai bên Đông – Tây là "sương phòng". Trong đó, sương phòng dành riêng cho phụ nữ và gia quyến, người khác không được tùy tiện bước vào.

2. Tứ Hợp Viện Có Từ Bao Giờ?

Theo những ghi chép trong sử sách thì loại hình nhà ở này bắt đầu xuất hiện vào thời Đông Chu (cách đây khoảng 2.000 năm). Qua các triều đại khác nhau, chúng có một vài điểm thay đổi và mang những đặc trưng riêng, chẳng hạn như:

Triều đại Kiến trúc Tứ hợp viện
Thời nhà Hán Kiến trúc mang đậm chất phong thủy. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng ở đâu, bố cục thế nào đều tuân thủ theo các quy tắc của âm dương ngũ hành.
Thời nhà Đường Bố cục của lối kiến trúc ở thời kỳ này chuyển sang dạng trước hẹp, sau rộng.
Thời nhà Nguyên Kiến trúc Tứ hợp viện ngày càng được chú trọng, trở nên tỉ mỉ và quy mô hơn. Một số công trình xây dựng trong thời này vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn cho tới ngày nay.
Thời Minh – Thanh Trải qua một quá trình hình thành khá lâu dài, kiến trúc các công trình Tứ hợp viện càng trở nên tinh xảo, độc đáo, là một trong những biểu tượng thể hiện gia thế, sự giàu sang và uy quyền. Đặc biệt, nhiều công trình được gìn giữ, bảo tồn cho tới nay.

Ở Việt Nam Có Nên Xây Nhà Tứ Hợp Viện Hiện Đại Không?

Với những đặc sắc về kiến trúc cũng như ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, nhiều người có thể sẽ băn khoăn có nên xây nhà Tứ hợp viện hiện đại mô phỏng cấu trúc công trình này ở Việt Nam hay không.

Có thể nói, mặc dù là kiến trúc cổ của Trung Quốc, song do một số nét tương đồng về văn hóa, chúng được lòng rất nhiều người Việt với một số lý do:

  • Không gian sử dụng rộng rãi, hợp với tập quán sinh sống của người Việt khi nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.
  • Thiết kế gần với thiên nhiên, có thể sử dụng một số vật liệu tự nhiên.
  • Mang những ý nghĩa tốt đẹp ở khía cạnh phong thủy.

Tuy vậy, do lối kết cấu khép kín, kiểu kiến trúc này chỉ hợp với những nơi có khí hậu mát, lạnh, không phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Vì thế, hiện nay, kiểu kiến trúc này thường chỉ được ứng dụng trong xây dựng các khu nghỉ dưỡng, quán cà phê, homestay hoặc khách sạn.

Tuy nhiên, với sự sáng tạo không ngừng, nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã thực hiện thiết kế các công trình mô phỏng lại một số đặc trưng của lối kiến trúc này và có sự sửa đổi, cách tân đảm bảo phù hợp với khí hậu, tâm lý người Việt, lại tận dụng được các nguyên vật liệu tại chỗ.

Một số căn nhà đã được thiết kế xây dựng, tạo ra không gian sinh sống thoải mái dành cho nhiều thế hệ. Sự cải tiến được thực hiện một phần dựa trên kiến trúc truyền thống người Việt, đó là quần thể công trình gồm dãy nhà ngang liền kề và các nhà phụ tạo hình chữ L hoặc U, không khép kín như kiểu kiến trúc cổ Trung Quốc. Điều này không chỉ tạo nét độc đáo, thân thiện với thiên nhiên mà cũng đảm bảo cho không khí được lưu thông, thoáng đãng hơn.

Từ những phân tích trên, có thể thấy đây là kiểu kiến trúc rất độc đáo, mang đặc trưng Trung Hoa. Tuy nhiên, chúng có thể được ứng dụng trong thực tiễn nhằm làm phong phú hơn cho kiến trúc Việt.

Nguồn bài viết: Sưu tầm